Home » , » SỰ THẬT VỀ NHÂN ĐIỆN

SỰ THẬT VỀ NHÂN ĐIỆN

Written By Giai phap ma nguon mo on Thursday, September 11, 2014 | 2:02 AM

         SỰ THẬT VỀ NHÂN ĐIỆN       

Tác giả bài viết: Kẻ vô đạo - theo



Tôi không viết bài này để khẳng định hay đưa những kết luận gì về Nhân điện, mà đơn thuần chỉ là những suy nghĩ, kiến thức, hiểu biết nông cạn của tôi ở thời điểm hiện tại. Để sau này, nếu có duyên học cao hơn thì đọc lại để xem trước đây những gì mình hiểu là đúng hay sai. Xin miễn bình luận, miễn tranh cãi...

No. Thanks! :)

Có những thiện xảo được tạo ra để dẫn dắt con người trở nên tốt hơn. Có những điều từ giả trở thành thật mà người ta hay gọi là "mượn giả cầu chân". Và có những điều từ không thành có...

Nhân Điện có nhiều thiện xảo để đưa người học trở nên tốt hơn về suy nghĩ lẫn hành động...

Nhân Điện không phải để chữa bệnh
Có một suy nghĩ kiểu luật-bất-thành-văn trong tất cả mọi người đều cho rằng: học Nhân Điện để chữa bệnh cho chính bản thân mình, và sau đó là chữa bệnh cho những người khác. Và thực tế ở lớp sơ cấp người ta cũng nói và dạy đủ trò về những kiểu đặt tay chữa bệnh trên luân xa hoặc ngoài luân xa, và khuyến khích người học chữa bệnh cho người khác.

Nhưng thử nghĩ ở 1 góc độ khác, nếu không có Nhân Điện - thì thế gian cũng đã có hàng trăm ngàn kiểu chữa bệnh khác. Chẳng lẽ kẻ chỉ học từ 3-6 buổi lại có khả năng "cứu nhân độ thế" thay cho những người mất từ 5-6 năm học bác sĩ? Nếu Nhân Điện có chữa thì cũng chỉ chữa được một vài lần, đâu khiến người ta mãi mãi không bao giờ bệnh. Mà bản chất nếu không chữa thì bệnh nào rồi cũng tự hết - chết là hết. Như vậy thì đâu thể gọi là "Trường Sinh Học".

Chữa bệnh chỉ là cái dẫn dắt để người học nhận ra rằng họ có những khả năng tiềm tàng mà bản thân họ chưa từng biết. Và ai ai cũng có cái khả năng ấy, không riêng gì một ai. Việc dẫn dụ người học đi chữa bệnh chỉ là "khai tâm" cho người học để từ từ biết cảm thông, thương yêu những người xung quanh (bắt đầu từ người bệnh) - cũng như để cho họ có nhiều thời gian để tiếp nhận nguồn năng lượng bên ngoài vào cơ thể họ - thay vì chỉ ngồi tập ở nhà.

Bệnh nào rồi cũng tự hết.

Ai sống rồi cũng phải chết.

Nhân Điện chỉ "chữa" cho cái không bao giờ chết...

Học Nhân Điện đâu nhất thiết phải đi làm bệnh

Lúc mới học Nhân Điện, tôi cảm thấy mình hơi bị "thua thiệt" so với những người khác vì chả bao giờ có dịp, thời gian đi chữa bệnh cho ai - mà lại toàn được nghe kể những ca chữa bệnh ly kỳ, hấp dẫn (nhất là mấy vụ chữa bệnh thần kinh giả). 2 "bệnh nhân" thân thiết thường được (hay "bị"???) chữa nhiều nhất là... vợ và bé con 6 tháng tuổi ở nhà. Ngoài ra thì chịu... Gặp người lạ - kể cả bạn bè thân mà bảo họ: "để tui đặt tay chữa bệnh cho" thì chắc chắn 1000% họ nghĩ mình ở Biên Hòa trốn ra.

Tôi mang nỗi "ấm ức" này đi "giãi bày" với Lão Đại, kiểu: vì "hoàn cảnh đẩy đưa mà lòng người đưa đẩy". Lão Đại chỉ cười và bảo: "hãy cứ tập nhiều lên - và sống tốt hơn. Vậy là đủ".

Nhưng mà tập thì tôi cũng... lười tập!

Sống thì cũng chưa thể gọi là tốt...

Quay lại vụ "đâu nhất thiết phải đi làm bệnh", như đã nói ở trên - việc đi chữa bệnh cho người khác chỉ là khai tâm để người học quen dần với cái cảm giác yêu thương người lạ - dám xắn tay áo, xắn lưng quần không quản đường xá xa xôi, kẹt xe, lọt cống để đến tận nơi chữa cho họ mà không lấy xu nào. Tất cả là vì tình thương - theo đúng tôn chỉ của Nhân Điện xây dựng trên nền tảng tình thương. Và việc chữa bệnh cũng có thể xem như tương đương ngồi nhà tập, vì năng lượng phải vào người họ trước khi "chảy" vào người bệnh.

Nhân Điện chẳng mở luân xa cho ai

Việc bảo "mở" luân xa cho người học cũng là một thiện xảo để người học biến từ cái không thành cái có. Vì thói đời ai cũng thích được người khác dọn sẵn mâm mà xơi. Trong khi hàng đống pháp môn bảo là phải tập luyện, phải chui vào núi, vào rừng, vào hốc tu luyện cả chục năm, mới hy vọng mở được luân xa - thì Nhân Điện bảo: "cứ vào học là mở cái rẹt - nhanh còn hơn mở bóp móc tiền ra", thế thì ai mà chả thích.

Nhưng thực tế thì chẳng ai mở luân xa cho ai cả. Luân xa ai, người đó tự mở. Người huấn giảng chỉ dùng tha lực để kích thích vào các vị trí luân xa - giống như họ đưa tay đẩy nhẹ cái bánh xe cho nó xoay. Và dựa vào cái trớn của bánh xe đang xoay - người học tập luyện hàng ngày để tự mở cho cái luân xa của mình.

Như vậy thì từ việc dẫn dụ "sẽ được mở luân xa liền", Nhân Điện đã đưa người học đi từ cái không (luân xa chưa mở) đến cái có (luân xa thực sự được mở do người học tự tập luyện). Đây là một trong những thiện xảo mạnh nhất để dẫn dắt người học.

Và dĩ nhiên chả ai nói thật điều này.

Nếu nói ra thì khối kẻ thất vọng vì: "úi giời, tưởng mở giùm sẵn thì còn học - không mở thì học làm quái gì".

Hoặc: "mèn ơi, thế tui học cao cấp rồi mà thực sự luân xa vẫn chưa mở à?"...

Tôi mang câu hỏi "ngược đời" này đi tra vấn Lão Đại, Lão Đại bảo: "Đúng!" - và cũng không quên dặn thêm: "Nhưng mà đừng nói với ai cả..."

Nhưng dù sao thì họ cũng được hỗ trợ đẩy nhẹ bánh xe 1 cái... :)

Luân xa không có % và cũng chẳng có cấp
Tôi luôn có những nghi ngờ về cái kiểu mở 30%, 70%, 100% lúc học lớp Sơ cấp. Vì Nhân Điện bảo là: Sơ cấp sẽ được mở 30% luân xa, Trung cấp 70%, Cao cấp 100% (hoặc 90%). Tôi cứ nghĩ: luân xa mở là mở, đóng là đóng - làm gì có vụ mở 30% lạ kỳ như vậy.

Thế là lại xách đít đi hỏi.

Chịu!

Học không biết thì phải hỏi.

Chỉ sợ không biết gì để hỏi.

Mà câu hỏi này được đặt ra sau câu hỏi ở trên. Khi câu hỏi ở trên đã rõ thì thực ra không cần hỏi nữa.

Nếu luân xa của ai người đó tự mở, thì việc đưa ra các khái niệm, con số 30%, 70%, 100% cũng là dẫn dụ để người học phải... siêng tập luyện - nếu không thì sẽ bị... bít luân xa (nghe sợ thật). 30%, 70%, 100% chỉ là cường độ năng lượng (hoặc vùng hào quang) ở từng vùng luân xa của người học được phát triển mạnh đến mức độ nào. Mà cũng chưa chắc năng lượng của người lớp cao lại mạnh hơn người lớp thấp. Năng lượng mạnh nhất là tâm lực - đó cũng là lý do Nhân Điện xây dựng dựa trên nền tảng "tình thương".

Cấp cao để cấp thấp đặt tay vào luân xa là sẽ bị... bít luân xa

Đây cũng là thiện xảo để lừa người học. Cứ đặt tay vô tư, chả sao cả. Người học lớp Sơ cấp đặt tay vào luân xa của người học Cao cấp cũng chả có chuyện gì - bình thường thôi Diễm. Ấy thế mà trước đây học xong cứ sợ thằng này, con kia học thấp hơn đụng vào những phần "nhạy cảm" khiến mình bị bít luân xa, nghĩ lại buồn cười không chịu được.

Thiện xảo này được đưa ra với mục đích khiến người học phải biết tin vào chính bản thân mình. Vì nếu mình không tin mình thì mình chả còn tin ai được nữa. Nếu người học lớp tạm gọi là cao không tự tin có thể tự giải quyết các vấn đề của mình mà phải nhờ người học thấp hơn, thì liệu anh ta / chị ấy còn niềm tin để làm điều gì khác?

Thiện xảo này giải thích nghe hơi thô, không "mượt" lắm - nhưng là cái khiến người học nhớ nhất... He he!

Nhân Điện chọn đệ tử theo tâm, không chọn theo lực

Dĩ nhiên, ngoại trừ các nhánh Nhân Điện cứ đóng tiền là học thì xin "no table". Riêng nhánh của chú Huynh Hai thì chọn đệ tử học lớp từ Cao Cấp trở lên theo tâm. Nếu người học có tâm tính tốt thì chắc chắn họ được chọn - còn người tâm không tốt mà năng lực có mạnh cỡ nào thì cũng chưa chắc được chọn.

Tôi cứ thắc mắc mãi không hiểu sao sau 2 lần "xin Tổ" bất thành, tự nhiên tới lần thứ 3 "everything OK" - Tổ say: "OK boy, come here I will teach you next level".

Tôi thành thật thú nhận trước bình minh với Lão Đại:

- Thú thật với chú là từ lần bị từ chối trước đến giờ, cháu hổng có... tập gì hết. Thế sao lần này lại được học?

Lão Đại cười khà khà bảo:

- Chú biết chứ. "Lực" của bọn cháu còn yếu lắm. Nó cứ lăn tăn nhè nhẹ như nước trên mặt hồ vậy, không mạnh mẽ cuồng cuộn như sóng biển (Ặc, Lão Đại "sến" phết).

Tôi ngồi tự nghĩ trong đầu:

- Ặc, nghe Lão Đại mô tả sao giống "lực" của mình phe phẩy ruồi còn không bay nhỉ.

Lão Đại tiếp lời:

- Nên nếu chọn theo "lực" thì cháu chưa đạt. Nhưng nếu chọn theo "tâm" thì đủ điều kiện. Cái này chú làm đúng theo lời chú Huynh Hai truyền đạt trước khi mất. Quan trọng là chọn người có tâm tốt - chứ người có lực mà không có tâm thì đôi lúc càng nguy hiểm cháu à.

Tôi lại tự nghĩ tiếp:

- Hơ, thế chắc Tổ nhìn nhầm rồi. Tâm cháu cũng chả tốt tí nào... :))

Thế là chúng ta bị... lừa à?

Sau khi tạm gọi là hiểu thêm tí về Nhân Điện, tôi kết luận vội vã:
- Thế là hóa ra trước đây cháu bị lừa à?

Lão Đại cười khà khà ra vẻ thích thú:
- Ừ. Nhưng nếu nói là "lừa" thì hơi quá. Mà nên gọi là "thiện xảo" để dẫn dụ người học. Gọi là thiện xảo vì nó không gây hại, hay làm điều gì bất lợi cho bất kỳ ai - mà chỉ nhằm mục đích dẫn dắt họ tốt hơn ở cả đường đời lẫn đường đạo. Nó cũng giống như chúng ta đưa một món quà dứ dứ trước mặt để đứa bé tập tễnh đứng lên bước những bước chân chập chững đầu đời, và từ đó nó tập đi - và đi những bước vững chắc.

Thấy tôi vẫn trơ mặt với vẻ ấm ức, Lão tiếp lời:
- Sau này nếu cháu đủ duyên để nhận quyền giảng huấn, thì cháu cũng sẽ phải... lừa lại những người mới học. Và nên làm như thế, không nên nói rõ mọi thứ. Và rồi họ cũng sẽ hiểu rõ mọi thứ như cháu hiện tại - lúc đó thì tạm gọi là họ cũng đã tốt lên rồi.

Vâng!

Hy vọng cháu sẽ đủ duyên để đi... lừa người khác.

Nhưng bây giờ cháu... viết blog rồi.

Những ai vô phước đọc blog này là hết bị lừa rồi chú ạ.

Tổ tha tội cho con...


SỰ THẬT VỀ NHÂN ĐIỆN: "Tôi không viết bài này để khẳng định hay đưa những kết luận gì về Nhân điện, mà đơn thuần chỉ là những suy nghĩ, kiến thức, hiểu biết nông cạn của tôi ở thời điểm hiện tại. Để sau này, nếu có duyên học cao hơn thì đọc lại để xem trước đây những gì mình hiểu..."
Share this article :

2 comments:

  1. Cảm ơn tác giả chia sẻ nhiều thông tin hay
    -----------
    Mr.Nam
    CHUYÊN MÁY ĐO LASER UY TÍN NHẬP KHẨU TẠI ĐÀ NẴNG

    ReplyDelete
  2. Trường Sinh Học Dưỡng Sinh còn được gọi nhân dân ta gọi chung chung là Nhân Điện.

    Cảm ơn tác giả, như vậy là sẽ giúp nhiều người tu học Nhân Điên, Trường Sinh Học ... yên tâm để tiếp tục con đường tu tập Nhân Điện, Trường Sinh Học ...

    Tác giả có nói là :

    "Những ai vô phước đọc blog này là hết bị lừa rồi chú ạ."

    Ai xem bai này mà hiểu sai lầm nên ngưng tu học Nhân Điện để tưởng là mình hết bị lừa dối.

    Câu này đồng nghĩa là ai rời khỏi Nhân Điện là Vô Phước.

    Thanks

    ReplyDelete